Mỹ sẽ thay đổi ở Biển Đông?

Buổi điều trần hôm 15/07 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ được cho là dấu hiệu chứng tỏ sự quan tâm lớn hơn của chính quyền Obama đối với tranh chấp Biển Đông và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tại phiên điều trần, các chuyên gia được mời đã đề cập tới một loạt các sự kiện xảy ra gần đây, trong có vụ đối đầu giữa tàu của Mỹ và tàu Trung Quốc.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao chuyên trách Đông Nam Á, Đại sứ Mỹ tại khối ASEAN, Scot Marciel, nói Bắc Kinh đã cảnh báo các công ty dầu khí Mỹ và nước ngoài không làm ăn với Việt Nam trong khu vực tranh chấp, nếu không sẽ gặp khó trong việc kinh doanh với Trung Quốc.

Theo ông Marciel, quan điểm nhất quán của Hoa Kỳ là phản đối các động thái đe dọa các công ty Mỹ và đã bày tỏ quan ngại về việc này với Bắc Kinh.

Phó phụ tá Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Robert Scher, nói Lầu Năm Góc xác định lực lượng của Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Đông Nam Á, xây dựng quan hệ an ninh chặt hơn với các đối tác trong vùng, trong đó có Việt Nam.

Ông Scher cũng nói bộ quốc phòng muốn củng cố cơ chế ngoại giao - quân sự với Trung Quốc để cải thiện liên lạc và giảm nguy cơ hai phía có những tính toán sai lầm.

Ba nhà nghiên cứu từ các trường, viện ở Washington cũng có mặt và cho biết quan điểm của họ, tại buổi điều trần do Thượng nghị sĩ Jim Webb làm chủ tọa.

Để có bình luận về sự kiện này, BBC Việt ngữ đã phỏng vấn Tiến sĩ David Scott, Đại học Brunel, London, tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về Trung Quốc và quan hệ quốc tế ở châu Á.

David Scott: Tôi chú ý phần trình bày của người phát ngôn bộ quốc phòng (Robert Scher) phần nào đó cứng rắn hơn phát ngôn của người của bộ ngoại giao (Scot Marciel). Bàn về việc Mỹ có thể làm gì, người của bộ quốc phòng nói thẳng về sự khẳng định quyền của Mỹ, duy trì sự nổi bật về quân sự trong vùng. Cũng đáng chú ý khi ông ta chỉ ra việc củng cố lực lượng ở căn cứ Guam như một nơi biểu dương sức mạnh trong khu vực.

BBC:Nhưng đã có sự thống nhất về chính sách ở trong chính quyền Obama chưa, thưa ông?

Câu hỏi đặt ra là chính quyền Obama sẽ tiếp tục hoặc thay đổi chính sách của chính quyền Bush đến mức nào. Có ba điểm làm tôi chú ý ở chính quyền Obama mà chúng đều có liên quan tới Biển Đông.

Thứ nhất, sự nhấn mạnh của chính phủ Bush về Iraq đã bị giảm nhẹ. Khi Obama quyết định triệt thoái khỏi Iraq và tập trung vào Afghanistan, phần nào, đó là sự kêu gọi Mỹ quay lại với châu Á Thái Bình Dương thay vì Trung Đông. Thực ra diễn tiến này có lẽ đã xảy ra 10 năm trước, nhưng rồi bỗng chốc có vụ 11/09, al-Qaeda chi phối chính quyền Bush. Nhưng nay ở mức độ nhất định, mối đe dọa này đã giảm bớt và sự trỗi dậy của Trung Quốc lại trở thành ưu tiên của Mỹ.

Thứ hai, ngay sau khi xảy ra vụ va chạm đầu năm ở Biển Đông liên quan tàu Impeccable, chính quyền Obama đã tuyên bố và có vẻ quả thực đã điều động thêm tàu Mỹ ra yểm trợ tại đó. Mỹ chứng tỏ họ không nhượng bộ.

Thứ ba, đã có thắc mắc liệu cam kết của Bush xây dựng căn cứ tại Guam có được tiếp tục thực hiện hay không. Nhưng hành động đầu tiên mà Hillary Clinton thực hiện trong chuyến thăm châu Á với tư cách ngoại trưởng là ký thỏa thuận về Guam khi bà thăm Nhật hồi tháng Hai.

Kết hợp tất cả những động thái này, theo tôi, chính quyền Obama có thể sẽ có thái độ mạnh mẽ hơn về Biển Đông so với chính phủ Bush trước đây. Người ta cứ nói Obama đang chủ trương đối thoại (engagement) hơn đối nghịch; dĩ nhiên ông ấy ủng hộ đối thoại. Nhưng khi ta quan sát diễn biến ở Biển Đông, chính quyền Obama có những quyết định cứng cựa, ít nhất là trong ngôn từ.

BBC:Ông hình dung suy nghĩ ở Bắc Kinh về thái độ của Mỹ là như thế nào?

Nếu tôi là Trung Quốc, tôi sẽ quan sát rất kỹ mỗi lần quan chức Mỹ thăm Việt Nam, mỗi lần tàu Mỹ cập cảng Việt Nam...Trên giấy tờ, Mỹ tiếp tục giữ vai trò trung lập. Nhưng Trung Quốc sẽ chú ý bất kỳ mối dây liên hệ nào, dù kinh tế hay chính trị, giữa Mỹ và Việt Nam.

Trong mắt Bắc Kinh, Mỹ đang nói nhiều ngôn ngữ. Mỹ nói phải đối thoại với Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng theo đuổi những động thái cân bằng sức mạnh trong vùng. Trung Quốc đối diện với chiến lược phòng hờ (hedging) kinh điển: đối thoại với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho Mỹ. Đó không phải là sự kiềm chế công khai và cứng rắn. Vì thế, trên giấy tờ, Mỹ là trung lập, nhưng phần nào đó tôi thấy Mỹ ngả về Việt Nam một phần vì các công ty Mỹ quan tâm chuyện khai thác ở vùng biển do Việt Nam kiểm soát.

BBC:Có vẻ như trong mắt Trung Quốc, trong vấn đề Biển Đông, người này được đồng nghĩa với người kia mất. Tức là không thể xảy ra việc Trung Quốc nhượng bộ?

Thật khó trả lời. Một mặt, đây vẫn có thể là trò chơi mà tất cả đều thắng. Bắc Kinh đã đề nghị tạm gác đòi hỏi chủ quyền, hãy cùng nhau khai thác. Nhưng mặt khác, Biển Đông là vấn đề tranh chấp lãnh thổ và với người Trung Quốc, chủ quyền lãnh thổ rất nhạy cảm. Biển Đông phần nào đó giống như Đài Loan: lấy lại cái mà họ xem đã bị mất là vấn đề thể diện cho Trung Quốc.

Kết hợp điều đó với nhu cầu năng lượng, Biển Đông ngày càng quan trọng với Trung Quốc. Vì thế, có dấu hiệu rõ ràng Trung Quốc đang củng cố lực lượng quân sự ở Biển Đông. Cùng lúc, Mỹ cũng hăng hái hơn với Biển Đông. Tôi cho rằng tình hình Biển Đông đang trở nên xấu đi.

BBC: Quan điểm của Mỹ là không để căng thẳng tại đây biến thành đe dọa cho quyền lợi của họ. Theo ông, liệu Trung Quốc có thể đảm bảo cho cả quyền lợi của Trung Quốc và Mỹ? Ví dụ, thuyết phục các công ty dầu khí Mỹ hợp tác với Trung Quốc thay vì các nước khác.

Rất thú vị. Nếu Bắc Kinh bảo, quý vị muốn có thỏa thuận trong vùng biển tranh chấp thì hãy giao thiệp với chúng tôi, chúng tôi sẽ cấp phép, ai nấy đều vui vẻ. Chuyện đó có thể làm được, vì những quốc gia như Việt Nam hay Philippines không thể gây áp lực với công ty Mỹ, trong khi Trung Quốc có thể.

Nhưng mặc dù việc cung cấp năng lượng có thể được dàn xếp giữa Bắc Kinh và Washington, quyền lợi chiến lược của Mỹ còn lớn hơn thế. Sự biểu dương sức mạnh của Trung Quốc trên biển, dù có thể đem lại hợp tác kinh tế cho công ty Mỹ, lại sẽ cản trở những tính toán địa chính trị của Mỹ.

Lê Quỳnh

BBCVietnamese.com

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/07/090717_southchinasea_comment.shtml


0 Comments:

Post a Comment

..:: Nếu bạn không muốn để lại tên, hãy chọn Anonymous.
..:: Vui lòng comments lịch sự, có tính xây dựng.
..:: Thanks!

Related Posts with Thumbnails